Những điểm tích cực của xuất khẩu lao động

Về vấn đề này, chắc chắn chúng ta cũng đã nghe những ý kiến phê bình chống đối. Những ý kiến này cho rằng xuất khẩu lao động là một hình thức bắt dân mang thân đi làm nô lệ cho ngoại quốc. Tuy nhiên, những ý kiến này không phải là hoàn toàn chủ quan và thiếu cơ sở. Thật vậy, nhìn vào hiện tình đời sống của một số lao động Việt Nam ở các nước như: Indonesia, Malaisia, Thái lan, Libăng … quá thiếu thốn về đủ mọi phương diện: thiếu sự chăm sóc sức khỏe, bị chèn ép, bị bóc lột, thậm chí có khi nhân vị và phẩm giá của họ còn bị những người chủ xúc phạm trắng trợn và không ít trường hợp xảy ra thật đáng thương tâm. Nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề một cách khách quan và toàn diện hơn chúng ta sẽ thấy vấn đề xuất khẩu lao động là một diễn biến kinh tế rất bình thường, nên không những đúng, tích cực mà còn cần thiết nữa. Còn nếu chỉ dừng lại ở chi tiết vấn đề thì chúng ta khó có thể tiến xa hơn được. Bất cứ quốc gia nào đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ một “nền kinh tế bao cấp” hay “kinh tế kế hoạch” độc đoán và cứng nhắc bước sang nền “kinh tế thị trường” tự do và linh động, từ nông nghiệp bước sang công nghiệp, từ cảnh “buôn thúng bán mẹt” bước sang thị trường “siêu thị”; từ thị trường bán lẻ bước sang thị trường tập trung… Do đó chúng ta không thể tránh khỏi thời gian loạng choạng và khủng hoảng buổi đầu như: thiếu vốn, thiếu nhân lực có năng lực chuyên môn, nhưng lại thặng dư quá nhiều nhân lực không có khă năng chuyên môn, phải đối mặt với những cạnh tranh khắt khe trên thương trường quốc tế, với các công ty nước ngoài mạnh về tài chính, giàu về chuyên môn và kinh nghiệm từ hình thức, mẫu mã cho đến chất lượng. Trong khi đó hoàn cảnh cụ thể của một đất nước đang trên đường hội nhập và phát triển như Việt Nam, với trên 80 triệu dân, mà quá bán là thuộc tầng lớp trẻ dưới 30 tuổi, thì việc tự đào tào và huấn nghiệp trong nước là hoàn toàn quá tải, nếu không nói là một điều bất khả thi. Bởi vậy, những câu hỏi khẩn trương được đặt ra là : Làm thế nào để tạo ra được nguồn vốn cho công cuộc phát triển kinh tế của nước nhà? Phải giải quyết công ăn việc làm cho hằng triệu người lao động, nhất là tầng lớp lao động trẻ ra sao? Làm thế nào để có thể học hỏi được những kỷ thuật chuyên môn của các nước bạn? Và làm thế nào để giúp cho đội ngũ công nhân trẻ có dịp tiếp cận, học hỏi được những kinh nghiệm về kỷ thuật của nước ngoài? v.v… Ðó là những bức xúc mà “xuất khẩu lao động” có thể nói được là một trong những cách giải quyết tạm thời. Trong công cuộc phát triển kinh tế, chúng ta cần đến sự trợ giúp kinh tế của nước ngoài, cần đến vốn liếng đầu tư của các công ty ngoại quốc, đó là vấn đề quan trọng và cần thiết. Nhưng một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng và cần thiết, đó là chính chúng ta cũng phải “tự túc tự cường” nữa, chứ không thể “ngồi chơi xơi nước” và chỉ “há miệng chờ sung” được. Nếu những ai đã từng sống ở các nước kỷ nghệ tân tiến, những nơi mà thời gian được coi là quý hơn vàng bạc mà phải chứng kiến cảnh trong các quán cà-phê và các quán nhậu ở Hà Nội, ở Saigon hay ở các thành phố khác trong nước, vào các buổi sáng, từ 8,9 giờ đến 10,11 giờ, tức giờ làm việc cao điểm, luôn luôn đầy ắp tầng lớp thanh niên ngồi đọc báo và tán gẫu, thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tư tưởng bi quan cho một viễn tưởng kinh tế tiến bộ và phát triển. Chúng ta cần phải làm một cái gì đó,cần phải thay đổi thì mới mong nền kinh tế nước nhà có cơ may tiến lên được, hay ít ra bớt tụt hậu so với các nước phát triển.