Hiệu quả của tạo việc làm cho thanh niên nông thôn tại Thái Thụy

Hiệu quả của chương trình tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh

Sau khi tham dự các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất theo mô hình tổng hợp VAC…thanh niên đã tiếp thu và ứng dụng ngay vào thực tế sản xuất của hộ gia đình: cải tạo vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, phát triển đàn vật nuôi giống mới năng suất cao, tận dụng chất phế thải để ủ khí Bioga, nuôi trùng quế…góp phần hình thành quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín, hạn chế ô nhiễm môi trường. Chương trình tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT còn góp phần cùng các địa phương, các vùng chuyên canh đẩy nhanh tốc độ thực hiện quy hoạch ngành nghề, phát triển cây con phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng vùng trong huyện như: Phát triển đàn lợn hướng nạc ở Thụy Ninh, Thụy Hà, Thái Hồng…đàn Dê ở xã Thái Đô, Thái Thượng…;cải tạo vườn tạp, phát triển trồng cây hoè, dâu… Việc tổ chức tập huấn, dạy nghề cho lao động thanh niên nông thôn còn là điều kiện thuận lợi để tập hợp thanh niên vào các hội, tổ nhóm sản xuất. Điển hình như việc hình thành các tổ sản xuất VAC, các câu lạc bộ phát triển kinh tế gia đình, chi hội phát triển kinh tế, chi hội nghề nghiệp…đã được các hội viên thanh niên hưởng ứng và đánh giá cao. Đối với các nghề tiểu thủ công nghiệp (dệt chiếu xuất khẩu, sản xuất gốm mỹ nghệ, thêu rua…), chương trình đã hỗ trợ cho lao động thanh niên tự tạo thêm việc làm tại chỗ, giải quyết được phần nào số lao động thất nghiệp ở nông thôn hiện nay. Kết quả thực hiện chương trình còn cho thấy, trên 70% số thanh niên sau khi tham gia đều có việc làm và thu nhập thường xuyên, ổn định; thời gian sử dụng vào sản xuất nông nghiệp tăng từ 65% lên 80%; Hệ số sử dụng đất tăng 1,2%. Đất nông nghiệp sử dụng vào trồng cây chuyên màu, tăng 5 lần.

Nhóm hộ có tham gia các chương trình tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật có hệ số sử dụng đất cao hơn 1,02 lần so với nhóm hộ không tham gia, nhóm hộ này đã sử dụng nhiều đất nông nghiệp gấp 1,46 lần. Qua điều tra phỏng vấn cho thấy vì có kiến thức về khoa học kỹ thuật qua các lớp tập huấn chuyển giao nên các hộ thanh niên này ngoài việc sử dụng hiệu quả diện tích được giao theo diện tích đất cơ bản bình quân theo nhân khẩu của hộ (Theo NĐ 64), các hộ này còn thuê thêm đất công điền của xã hoặc thuê, mượn lại đất của các hộ gia đình khác để sản xuất. Số diện tích thuê, mượn thêm được sử dụng nhiều vào việc sản xuất cây màu chuyên, lĩnh vực này mang lại thu nhập cao hơn và cũng sử dụng nhiều lao động hơn. Tỷ lệ sử dụng diện tích đất vào sản xuất cây màu chuyên giữa nhóm hộ tham gia tập huấn và nhóm hộ không tham gia là 5/1.