Kết quả cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước
Ngay từ khi bắt đầu triển khai cho vay, Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành đã ban hành hệ thống văn bản tạo hành lang pháp lý để công tác cho vay GQVL thực hiện kịp thời và có hiệu quả. Đồng thời qua quá trình thực tiễn cho vay cũng như căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Nhà nước cũng đã bổ xung nhiều chính sách, chế độ để công tác cho vay ngày càng chặt chẽ nhưng lại dễ làm, dễ kiểm tra. Trong các văn bản quản lý vốn vay, cũng chỉ ra các biện pháp chung cho quản lý cho vay, thu nợ, xử lý các dự án nợ quá hạn.
Nội dung mới và quan trọng nhất của các văn bản này là xác định rõ đối tượng vay vốn, quy định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan tham gia quản lý chương trình. Điểm nổi bật dễ đi vào cuộc sống thực tế được thể hiện qua khâu thẩm định dự án mà trước đây có tới bốn cơ quan cùng thực hiện (cơ quan LĐTB & XH – Tài chính – Kế hoạch và đầu tư – KBNN) đã dẫn đến nhiều bất cập như thời gian thẩm định kéo dài, làm chậm tiến độ thực hiện của chương trình. Đến nay công việc thẩm định dự án được giao cho hai cơ quan LĐTB & XH, KBNN phối hợp thực hiện, vì vậy việc triển khai dự án tại các địa phương được đẩy nhanh và khẩn trương hơn. Một điểm thay đổi căn bản là trước kia cơ quan phê duyệt và ra quyết định cho vay là Bộ LĐTB & XH thì nay được giao cho UBND tỉnh, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, từ đó các dự án triển khai nhanh, sát và phù hợp với thực tế hơn. Bên cạnh đó các thủ tục cho vay được nghiên cứu bổ xung phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật, thuận lợi cho người vay như:
– Quy định rõ về đối tượng vay gồm hai loại: Dự án hộ gia đình, thành viên tổ chức đoàn thể và dự án cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh.
– Thẩm quyền bảo lãnh tín chấp: Trước dây các dự án của Hội đoàn thể chỉ cơ quan Hội đoàn thể cấp tỉnh trở lên đứng ra bảo lãnh, nay được phân cấp rộng hơn, cụ thể là do hội đoàn thể cấp huyện trở lên được quyền bảo lãnh cho các hộ vay.
– Mức vay bình quân trên một hộ từ 5 triệu đồng được nâng lên 10 triệu đồng. Mức vay của 1 dự án cơ sở kinh doanh từ 200 triệu đồng lên 300 triệu đồng.
– TSTC được quy định chặt chẽ hơn, loại tài sản đem thế chấp phù hợp với các quy định của luật dân sự.
– Gia hạn nợ : Trước năm 1999 KBNN không được quyền gia hạn nợ, từ 1999 đến nay KBNN được gia hạn nợ đối với những dự án khó khăn như sản xuất chưa đến kỳ thu hoạch, sản phẩm chưa tiêu thụ được, chưa được thanh toán tiền bán sản phẩm.
Phụ lục biểu số 01 làm rõ hơn vấn đề bổ sung hoàn thiện cơ chế cho vay.