Phương thức quản lí cho vay vốn giải quyết việc làm
Quỹ Quốc gia HTVL được tập trung thống nhất ở Trung ương, do ban chỉ đạo Quỹ Quốc gia HTVL trực tiếp điều hành. Ban này bao gồm đại diện của các Bộ LĐTB & XH, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư do lãnh đạo Bộ LĐTB & XH làm trưởng ban. Ban chỉ đạo chương trình cho vay từ Quỹ Quốc gia HTVL Trung ương có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo các bộ, ngành, Chính phủ các vấn đề chính sau đây.
Thứ nhất: Nghiên cứu ban hành các văn bản trong phạm vi quyền hạn hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế cho vay GQVL theo đúng đường lối, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai: Hàng năm xây dựng kế hoạch vốn cho vay GQVL để Chính phủ trình quốc hội thông qua phần vốn mới tăng thêm trong kế hoạch chi ngân sách nhà nước, đồng thời phân bổ dự toán ngân sách cấp mới vốn vay GQVL cho các bộ ngành, các địa phương triển khai dự án vay vốn.
Thứ ba: Tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện việc xây dựng thẩm định, phê duyệt dự án, cho vay đúng chế độ. Tổ chức đánh giá, tổng kết, tập huấn chương trình cho vay GQVL.
Thứ tư: Thiết lập hệ thống thông tin thường xuyên với KBNN, bảo đảm kiểm soát việc thực hiện công tác cho vay vốn của hệ thống KBNN.
Thứ năm:Xử lý các trường hợp rủi ro, các kiến nghị do các tỉnh gửi về, kiểm tra tình hình quản lý vốn vay tại các địa phương.
Tại các địa phương cũng thành lập các Ban chỉ đạo cho vay GQVL. Ban này gồm các thành viên là đại diện các cơ sở, ngành thuộc các bộ trong Ban chỉ đạo cho vay GQVL ở Trung ương do đồng chí chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban và có các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất : Hướng dẫn các đối tượng tại địa phương xây dựng dự án vay vốn theo qui định của ban chỉ đạo chương trình dự án, tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay GQVL.
Thứ hai: Tổ chức thẩm định các dự án vay vốn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả trình UBND tỉnh ra quyết định cho vay. Tham mưu cho UBND tỉnh quản lý chương trình vay vốn phù hợp với lợi thế, đặc thù của địa phương.
Thứ ba: Chỉ đạo KBNN thực hiện cho vay kịp thời, đúng chế độ, giám sát việc thực hiện cho vay cũng như sử dụng vốn vay, xử lý các trường hợp do KBNN kiến nghị.
Thứ tư: Định kỳ tổ chức, đánh giá kết quả thực hiện chương trình, báo cáo với UBND tỉnh và Ban chỉ đạo cho vay GQVL ở Trung ương.
Ngoài các Ban chỉ đạo cho vay GQVL ở Trung ương và địa phương, các bộ ngành, cơ quan hội đoàn thể được giao nhiệm vụ là đầu mối quản lý vốn vay cũng thành lập các ban, phòng theo dõi và thực hiện chương trình vay vốn GQVL ở ngành, cơ quan hội đoàn thể quần chúng.