Kết quả cho vay thu nợ của hoạt động cho vay giải quyết việc làm
Kết quả cho vay thu nợ được thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau:
Thứ nhất: Bộ máy quản lý điều hành và phối hợp trong việc cho vay, thu nợđược thiết lập từ Trung ương tới địa phương.
Hoạt động của ban điều hành, Ban chỉ đạo cho vay GQVL đã có sự phối hợp tốt từ trung ương đến địa phương. Căn cứ vào quy định của Liên bộ LĐTB & XH – Tài chính – Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Trung ương đã thành lập ban chỉ đạo chovay GQVL, các địa phương (tỉnh, huyện) tuỳ theo điều kiện thực tế có thể có thêm các thành phần thuộc các sở, ban, ngành tham gia vào Ban chỉ đạo cho vay GQVL; đã có sự phối hợp thường xuyên giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo cho vay GQVL đặc biệt là trong thẩm định và chế độ thông tin báo cáo.
Thứ hai, sự tăng trưởng của nguồn vốn vay. Khi nói đến nguồn vốn vay, người ta thường quan tâm đến nguồn vốn kế hoạch và nguồn vốn thu hồi
Nguồn vốn kế hoạch gồm vốn kênh UBND tỉnh, kênh Trung ương hội đoàn thể quản lý. Hàng năm Bộ Kế hoạch đầu tư trình Chính phủ phê duyệt dự toán ngân sách cấp mới vốn cho vay GQVL cho từng địa phương và cơ quan trung ương hội đoàn thể. Nguồn vốn kế hoạch được bổ sung hàng năm cho các tỉnh là tương đối ổn định.
Nguồn vốn thu hồi là nguồn vốn lớn, quan trọng vì được luỹ kế qua các năm thực hiện. Nguồn vốn thu hồi trong một thời kỳ căn cứ vào số thu nợ thực tế từ các dự án vay đã đến hạn. Theo quy định hiện nay, vốn thu hồi tại địa phương nào được giữ lại cho địa phương đó để tiếp tục cho vay các dự án khác. Việc chuyển nguồn vốn thu hồi đi địa phương khác chỉ tiến hành các trường hợp cụ thể như: Vốn vay tại địa phương không hiệu quả và đặc biệt nguồn vốn tồn đọng lớn, thời hạn dài không giải quyết cho vay. Việc kế hoạch hoá nguồn vốn thu hồi là hết sức quan trọng nhằm luân chuyển vốn, tránh tồn đọng vốn vay. Do thu hồi vốn vay là quá trình diễn ra thường xuyên nên đòi hỏi công tác dự báo tình hình vốn thu hồi phải nhanh chóng, kịp thời theo từng tháng, quý.
Tính đến hết tháng 12 năm 2000 tổng nguồn vốn bố trí cho chương trình cho vay GQVL là 1.410 tỷ đồng, bình quân các năm nguồn vốn tăng thêm là 156 tỷ đồng. Nguồn vốn lớn tập trung ở các tỉnh thành phố có số dân cư đông và nhu cầu GQVL là Hà Nội 53,9 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh 89 tỷ đồng, Thanh Hoá 43 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay bình quân tại các tỉnh là 23 tỷ đồng. Hiện tại các KBNN đảm bảo đủ nguồn vốn để giải ngân bất cứ lúc nào nếu người vay có dự án khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba: Tình hình cho vay thu nợ và các dự án vay vốn điển hình.
Qua 9 năm từ 1992 đến 2000, KBNN đã phối hợp với các ngành, các cấp thẩm tra xét duyệt trên 84.000 dự án với doanh số cho vay là: 4.393.379 triệu đồng tạo việc làm cho 3.738.646 người lao động. KBNN đã tích cực thu nợ vay khi đến hạn, doanh số thu nợ gốc là: 3.102.660 triệu đồng, lãi là 316.059 triệu đồng.
Số vốn cho vay, thu nợ năm sau đều tăng cao hơn năm trước. Đặc biệt năm 2000 doanh số cho vay đạt 754 tỷ đồng (tăng 29% so với năm 1998 và 22% so với năm 1999). Đây là năm doanh số cho vay đạt cao nhất từ năm 1992. Mức vay bình quân trên một lao động (chưa có hoặc thiếu việc làm) trong 8 năm là 1,2 triệu đồng, năm 1999 là 2 triệu đồng, năm 2000 là 2,2 triệu đồng, điều đó cho thấy rằng mức vay bình quân đã tăng lên và phù hợp với việc điều chỉnh hạn mức vay tối đa trên một lao động từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng kể từ năm 1999.
Các dự án vay vốn của các tổ chức hội đoàn thể quần chúng như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Hội cựu chiến binh… có ý nghĩa rất quan trọng, làm phong phú thêm các hoạt động mang tính chất kinh tế xã hội, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của các tổ chức xã hội.