Điểm khác nhau về bối cảnh kinh tế giữa Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản

Có thể nói về bối cảnh nền kinh tế cũng như định hướng phát triển Doanh nghiệp mà cụ thể hơn là chiến lược xây dựng các Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam có khá nhiều điểm khác biệt so với Hàn Quốc và Nhật Bản khi xây dựng mô hình Chaebol và Keiretsu. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc nói riêng và đa số các nước trên thế giới nói chung, Tập đoàn kinh tế được hình thành một cách hết sức tự nhiên từ quá trình tái cấu trúc thông qua các vụ sáp nhập, hợp nhất, thôn tính, mua lại và giải thể công ty với mục đích sau đó là tất cả cùng làm tăng giá trị của toàn Tập đoàn. Tuy nhiên, Tập đoàn kinh tế của Việt Nam lại ra đời trong một bối cảnh có đặc thù rất riêng biệt, đó là Tập đoàn kinh tế quốc doanh và được hình thành bằng một mệnh lệnh hành chính cao độ từ Chính phủ. Tám Tập đoàn kinh tế được coi là chính thức ở Việt Nam đều được thành lập theo quyết định của Chính phủ trên cơ sở chuyển đổi và cơ cấu lại một số Tổng công ty Nhà nước (đặc biệt là các tổng công ty 91 – tổng công ty Nhà nước được thành lập theo quyết định số 91/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập các Tập đoàn kinh doanh).

Có thể nói, việc hình thành các Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam mang tính chủ quan nhiều hơn là nhu cầu thực tế. Không giống như bối cảnh của nền kinh tế thế giới vào thời điểm ra đời mô hình Keiretsu của Nhật Bản và Chaebol của Hàn Quốc, các Tập đoàn kinh tế của Việt Nam ra đời và phát triển trong bối cảnh mà xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới đã diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam, với việc gia nhập nhiều "sân chơi" cùng với nhiều nước khác trên thế giới bắt buộc phải tuân thủ "luật chơi". Điều đó có nghĩa là sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các loại hình doanh nghiệp trong đó có Tập đoàn là không được chấp nhận. Các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh một cách công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài khác. Đất nước Nhật Bản có đặc thù là nguồn tài nguyên vô cùng hạn chế. Chính vì thế, Chính phủ Nhật Bản luôn hướng những Tập đoàn kinh tế – vốn được coi là động lực chính của sự phát triển nền kinh tế – đi theo hướng chú trọng vào lĩnh vực công nghiệp mà chủ yếu là công nghiệp sản xuất ôtô với nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hàn Quốc vào những năm 1960 tuy cũng không có gì nhiều ngoài nguồn nguyên liệu và lực lượng nhân công giá rẻ mà không có trình độ hoặc trình độ thấp. Thế nhưng, Chính phủ Hàn Quốc luôn hỗ trợ cho các Chaebol và chủ yếu hướng vào các ngành công nghiệp, ví dụ như Samsung, Hyundai…

Tuy nhiên, chính sách của Việt Nam lại khác. Mặc dù thành lập các Tập đoàn kinh tế một phần cũng vì mục tiêu thực hiện công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước nhưng chủ trương của Việt Nam khi xây dựng Tập đoàn kinh tế không phải là chỉ tập trung vào công nghiệp mà dàn trải lên nhiều lĩnh vực khác được coi là mũi nhọn của nền kinh tế. Chính vì thế mới có việc tám Tập đoàn kinh tế được coi là "con cưng" của Chính phủ hoạt động trên nhiều lĩnh vực như vậy. Đều được nhận được nhiều sự ưu đãi từ Chính phủ nhưng chính sách hỗ trợ Tập đoàn của Việt Nam với Hàn Quốc có một điều khác biệt hết sức quan trọng: Đó là tất cả các Chaebol đều buộc phải trở nên có tính cạnh tranh quốc tế trong vòng một vài năm, rồi sau đó phải xuất khẩu được một tỷ lệ nhất định sản lượng của mình. Mặc dù các Chaebol này được Nhà nước trợ cấp rất nhiều trong thời kỳ đầu nhưng những khoản trợ cấp này sẽ giảm dần và biến mất hoàn toàn trong những năm sau đó. Ngược lại, các Tập đoàn ở Việt Nam được xây dựng để thay thế hàng nhập khẩu và luôn nhận được sự bảo hộ và giúp đỡ của Chính phủ ngay cả khi thua lỗ và không thể xuất khẩu