Mục tiêu của phương hướng giải quyết việc làm trong những năm tới tại Thái Bình

1. Giải quyết việc làm trên cơ sở phát huy, khai thác tiềm năng của các thành phần kinh tế Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần là chủ trương đường lối có tính chiến lược của Đảng được thực hiện nhất quán và xuyên suốt thời kỳ quá độ nên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chủ trương đường lối đó có tầm bao quát và tác động trên nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội mà trước hết, trực tiếp tác động đến việc phát triển kinh tế và giải quyết việc làm. Chủ trương trên được thể chế hóa thành luật pháp, cơ chế chính sách để huy động khai thác tiềm năng của các thành phần kinh tế, của mọi công dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo mở việc làm để làm giàu cho mình và cho xã hội.

2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

– Phát huy lợi thế của tỉnh và truyền thống thâm canh, tiếp tục làm chuyển biến nhận thức và đầu tư chiều sâu để chuyển nhanh sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, ưu tiên phục vụ xuất khẩu

– Uu tiên phát triển lực lượng sản xuất, chú trọng phát huy nguồn lực con người, ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học công nghệ để nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp và dịch vụ, giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp.

– Kết hợp chặt chẽ các vấn đề kinh tế với các vấn đề xã hội; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân nhằm giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị – xã hội.

3. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ lựa chọn công nghệ phù hợp thu hút nhiều lao động

– Xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng có hiệu quả luật doanh nghiệp vào cuộc sống; tích cực mở các lớp dạy nghề và truyền nghề để nâng cao chất lượng nguồn lao động phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

– Có cơ chế thông thoáng trong việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình giải phóng mặt bằng, thuê và sử dụng đất.

– Mở rộng các mô hình nghiên cứu, ứng dụng lựa chọn công nghệ (cả trong và ngoài nước) phù hợp với trình độ của lao động hiện có; tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển lao động và tư liệu sản xuất từ ngành, lĩnh vực này sang ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác dễ dàng.

4. Xây dựng tổ chức lại thị trường sức lao động Thị trường sức lao động bị chi phối bởi quy luật cung – cầu lao động; để cung của lao động có thể thỏa mãn cầu về lao động đòi hỏi phải có tác động tích cực vào quá trình xây dựng, tổ chức lại thị trường sức lao động. Trước mắt cần tập trung vào các hướng sau: chính sách đào tạo lao động, chính sách tiền công (tiền lương), chính sách bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp… phù hợp với thực tiễn khách quan của nền kinh tế thị trường, tổ chức đưa vào cuộc sống.