Tình hình xây dựng thương hiệu giáo dục ở Việt Nam
Ở Việt Nam, khái niệm thương hiệu giáo dục đại học mới chỉ được nhắc đến trong thời gian gần đây. Để phát triển được thương hiệu giáo dục đại học thì thương hiệu đó phải thực sự tồn tại, khâu phát triển chỉ nhằm quảng bá những sự thật hiện hữu chứ không để khuếch đại hiện thực đó.
Để thương hiệu tồn tại thì phải bắt đầu từ khâu xây dựng được những trường đại học thực sự có chất lượng, trước tiên là trong nước, sau đó là so sánh trong tương quan với thế giới. Việc xây dựng thương hiệu nằm ở 4 yếu tố:
Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy và vấn đề quản lý, định hướng giáo dục mà trường nào muốn xây dựng thương hiệu cũng phải đảm bảo đầy đủ. Trước mắt, việc xây dựng thương hiệu nên tập trung nguồn lực vào những trường đại học trọng điểm trong cả nước với 2 lý do cơ bản:
• Thương hiệu giáo dục đại học của bất cứ quốc gia nào cũng bắt nguồn từ thương hiệu của những trường đại học trọng điểm của quốc gia đó. Trong bản thân những quốc gia hàng đầu về giáo dục như Anh, Mỹ, Nhật, cũng tồn tại những trường đại học top đầu và cả những trường không được xếp hạng. Do đó trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu giáo dục đại học của một quốc gia cơ bản là việc đề ra đường lối đúng đắn và tập trung nguồn lực xây dựng cho những trường cụ thể.
• Việc tập trung xây dựng thương hiệu cho những trường đại học trọng điểm sẽ tiết kiệm nhân lực, vật lực, thời gian trong bối cảnh nền giáo dục còn kém và nguồn lực hạn chế, yêu cầu "đi tắt đón đầu" được đặt ra vô cùng cấp thiết.