Tăng kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật
Nhật Bản là một thị trường phát triển với thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 31.500USD/năm, do vậy người dân dành khá nhiều để chi tiêu. Nhu cầu nhập khẩu hàng năm trên thị trường Nhật rất lớn. Ví dụ nhu cầu nhập khẩu hàng thủy sản những năm gần đây của thị trường này vào khoảng 12 tỷ USD/năm, nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may 20 tỷ USD/năm, nhu cầu nhập khẩu giầy dép khoảng 3,6 tỷ USD/năm, nhu cầu hàng điện tử và linh kiện máy tính khoảng 30 tỷ USD/năm. Vì quy mô thị trường lớn nên cạnh tranh trên thị trường Nhật Bản khá gay gắt. Đơn cử như mặt hàng thủy sản, hàng thủy sản của Việt Nam đặc biệt là tôm và ghẹ được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao vì thịt thơm và ngọt, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Nhật còn quá nhỏ bé so với tiềm năng. Năm 2005, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam vào Nhật chỉ chiếm có 6,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản.
Hàng thủy sản Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt bởi Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN, trong đó tôm bị cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan và Indonesia. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt này, việc nghiên cứu các quy định nhập khẩu của Nhật Bản là điều hết sức cần thiết để hàng hóa Việt Nam xâm nhập được vào thị trường Nhật Bản. Để hàng thủy sản Việt Nam có thể vào thị trường Nhật Bản thì trước hết các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản phải vượt qua các rào cản của Luật vệ sinh thực phẩm và Luật kiểm dịch. Sau khi vượt qua bước đầu tiên và cũng là bước khó nhất là mở được cánh cửa vào thị trường Nhật, thì với những chiến lược xúc tiến sản phẩm phù hợp các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Chất lượng sản phẩm tốt và giá cạnh tranh sẽ là hai yếu tố quan trọng để các sản phẩm của Việt Nam có thể thâm nhập sâu rộng vào thị trường Nhật. Nhật Bản là một thị trường xuất khẩu chiến lược trong chính sách xuất khẩu của Chính phủ Việt Nam. Nhưng có thể nói đây là thị trường lớn và rất khó tính bởi người tiêu dùng Nhật đòi hỏi cao về chất lượng. Những khiếm khuyết mà ở các quốc gia khác không thành vấn đề như một vết xước nhỏ, đường viền không cân hay màu sơn bị mờ trong một sản phẩm thì ở Nhật Bản đều bị coi là hàng hóa hỏng. Ngoài ra hệ thống pháp luật của Nhật Bản phức tạp, nhiều công cụ phi thuế quản lý các nhóm hàng. Vì vậy, việc nghiên cứu và nắm rõ các quy định nhập khẩu của Nhật sẽ giúp các doanh nghiệp và các bộ ngành liên quan của Việt Nam có những thay đổi cho phù hợp để có thể thâm nhập vào thị trường Nhật, góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật.