Quy định về đóng dấu tiêu chuẩn chất lượng tại Nhật
Việc đóng dấu chất lượng của hàng hoá sẽ làm tăng sự tin cậy của khách hàng đối với sản phẩm. Đây là một vấn đề quan trọng khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ở Nhật có hai dấu chứng nhận được sử dụng phổ biến là dấu chứng nhận tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản JIS (Japan Industrial Standards) và dấu chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản JAS (Japan Agricultural Standards). Việc sử dụng các dấu hiệu chất lượng này đã tạo điều kiện cho việc kiểm tra chất lượng hàng hoá trong quá trình sản xuất cũng như phân phối được thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng các dấu hiệu này trên các nhãn hiệu không chỉ cung cấp một sự đảm bảo về chất lượng mà còn bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc thông tin đầy đủ cho họ về chất lượng của sản phẩm khi người tiêu dùng lựa chọn mua hàng.
Dấu chứng nhận chuẩn hóa công nghiệp (JIS) Dấu chứng nhận: "Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản" JIS là một trong những dấu được sử dụng rộng rãi nhất ở Nhật Bản. Tiêu chuẩn này dựa trên "Luật tiêu chuẩn hoá công nghiệp" được ban hành vào tháng 6/1949. Hệ thống tiêu chuẩn JIS áp dụng đối với tất cả các sản phẩm công nghiệp và khoáng sản, trừ những sản phẩm được áp dụng tiêu chuẩn chuyên ngành và các sản phẩm áp dụng "Luật về tiêu chuẩn hoá nông nghiệp". Theo các quy định của Luật tiêu chuẩn hoá công nghiệp Nhật Bản, dấu chứng nhận tiêu chuẩn JIS chỉ được phép áp dụng với các sản phẩm thoả mãn các yêu cầu về chất lượng của JIS. Do đó khi kinh doanh các sản phẩm này chỉ cần kiểm tra dấu chất lượng tiêu chuẩn JIS là đủ để xác nhận chất lượng của chúng. Giấy phép đóng chứng nhận tiêu chuẩn JIS trên hàng hoá do Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp cấp cho nhà sản xuất khi sản phẩm của họ được xác nhận là có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn JIS JAS là Luật tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản được ban hành vào năm 1970, và được người tiêu dùng đặc biệt tin tưởng nhất là với hàng thực phẩm. Luật này quy định các tiêu chuẩn về chất lượng, đưa ra các quy tắc về việc ghi nhãn chất lượng và đóng dấu chất lượng tiêu chuẩn JAS, điều chỉnh cả các sản phẩm sản xuất trong nước lẫn sản phẩm nhập khẩu.
Ngày nay, hệ thống tiêu chuẩn này đã trở thành cơ sở cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn các thực phẩm chế biến. Các sản phẩm được điều chỉnh bởi luật bao gồm: đồ uống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, mỡ và các loại nông lâm thuỷ sản khác. Luật JAS có thể quy định một cách rõ ràng tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng hoặc có thể chỉ đưa ra những hướng dẫn cho việc nâng cao chất lượng. Các nhà sản xuất muốn được dán nhãn hiệu chất lượng JAS lên sản phẩm của họ thì phải thông qua các tổ chức giám định để đánh giá chất lượng của hàng hoá đó. Việc sử dụng dấu chứng nhận phẩm chất JAS trên nhãn hiệu sản phẩm là tự nguyện và các nhà sản xuất cũng như các nhà bán lẻ không bị bắt buộc phải sản xuất hay kinh doanh các sản phẩm có chất lượng tiêu chuẩn JAS. Tuy nhiên các quy định về việc ghi nhãn sản phẩm là bắt buộc đối với những sản phẩm do Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp quy định. Để giúp người tiêu dùng trong việc đánh giá các sản phẩm, luật JAS sửa đổi năm 1970 quy định rằng các sản phẩm đều phải dán nhãn, trên đó chứa đựng các thông tin về thành phần và chất lượng sản phẩm. Danh sách các sản phẩm phải dán nhãn được chính phủ quy định trong các sắc lệnh.