Một số yêu cầu ngành nghề mà các nước nhập khẩu lao động đòi hỏi
Hiện nay lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang tham gia lao động ở 30 nhóm ngành, nghề khác nhau như: xây dựng, cơ khí, điện tử, dệt, máy, chế biến thuỷ sản, vận tải biển, đánh bắt hải sản, dịch vụ, chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp, Cụ thể là: 45% lao động làm trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, 26% trong lĩnh vực xây dựng, 20% trong lĩnh vực cơ khí, 6% trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thuỷ sản, 3% trong lĩnh vực khác.
Tỷ lệ lao động có tay nghề là khoảng 65%; ở một số nước như Nhật Bản, Libia tỷ lệ này đạt gần 100%. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì nhu cầu lao động phổ thông có xu hướng giảm và tăng nhu cầu lao động có tay nghề (trước khi đi làm việc ở nứơc ngoài đã được đào tạo).
Thuyền viên: cường độ làm việc cao dù là thuyền trưởng hay thuyền viên, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đòi hỏi người thuyền viên phải có thể lực tốt, chịu được sóng gió, có tay nghề, có tác phong công nghiệp và vốn ngoại ngữ khá để thực hiện chính xác mệnh lệnh của thuyền trưởng.
Thuyền viên Việt Nam nói chung chưa đáp ứng được những yêu cầu trên đây.
+ Thợ xây dựng: là loại lao động nặng nhọc chủ yếu diễn ra ngoài trời, công nghệ và máy móc xây dựng khá hiện đại, tổ chức thi công trên công trường rất khoa học, kỉ luật lao động nghiêm khắc, tiền công không cao, bình quân 250 USD/ người/tháng.
Thợ lao động xây dựng Việt Nam khéo léo, dễ tiếp thu công nghệ nhưng tính vô kỷ luật cao nên chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số lao động bị trả về nước.
+ Công nhân nhà máy: làm việc trong các nhà máy có trình độ tự động và chuyên môn hoá cao, đòi hỏi người lao động phải có sức chịu đựng, cường độ lao động cao, tính bền bỉ trong công việc cao, ý thức kỷ luật lao động cao để hoà nhập với công nhân nước khác. Thu nhập bình quân 500 USD/người/ tháng _ bằng 50-60% thu nhập của công nhân nước sở tại.
Lao động Việt Nam ở nhóm này nói chung trình độ kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu nhưng trình độ ngoại ngữ kém, vô kỷ luật_ nhiều lao động phá vỡ hợp đồng bỏ ra làm ngoài.
+ Lao động giúp việc gia đình: Yêu cầu ngoại ngữ tốt để giao tiếp hàng ngày với đối tượng phục vụ, phải sử dụng thành thạo các dụng cụ sinh hoạt, trung thực, tận tụy với công việc.
Lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực này chưa nhiều, một phần do ngoại ngữ yếu, một phần do quan niệm xã hội Việt Nam mấy năm gần đây mới coi giúp việc gia đình là một nghề. Tuy nhiên lao động Việt Nam trong lĩnh vực này cũng được đánh giá khá cao.