Tình hình phát triển ngành vận tải biển tại Nhật trong những năm gần đây

Hiện nay, Nhật Bản dựa vào vận tải biển để vận chuyển phần lớn các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người dân. Khoảng 99,7% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đều thông qua các cảng biển; khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển chiếm 38,7% tất cả các hàng hóa phân phối trong nước (MLIT, 2006). Theo số liệu của MLIT thì khối lượng hàng hóa vận chuyển qua 5 cảng chính của Nhật Bản hầu như không thay đổi trong 5 năm (1997- 2003) khoảng 10 500 TEU. Trong khi đó số lượng các container xử lý tại các cảng địa phương ngày càng tăng (MLIT, 2006). Điều này cho thấy sự chuyển dịch trong việc vận chuyển hàng hóa tại các cảng của Nhật Bản, nhằm tránh tình trạng quá tải thông qua các hệ thống cảng chính. Dự đoán đến năm 2015 khối lượng container được xử lý thông qua các cảng biển Nhật Bản sẽ vào khoảng từ 20 – 23 triệu TEU.

Từ năm 2003 trở lại đây, các cảng của Nhật Bản ngày càng tụt dần vị trí trong bảng xếp hạng các cảng có khối lượng bốc dỡ container lớn trên thế giới. Nguyên nhân của tình trạng trên là do các cảng biển của Nhật đã được đầu tư xây dựng kiên cố hoàn chỉnh từ năm 1987, không đón được tàu có trọng tải nặng so với các cảng có công suất lớn mới được xây dựng tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm 2008 công suất bốc dỡ của cảng Tokyo (cảng lớn nhất Nhật Bản) là 4 271 000 TEU đứng thứ 24 trên thế giới, năm 2005 đứng thứ 22, năm 2002 đứng thứ 20 trên thế giới. Ngành vận tải biển của Nhật chịu ảnh hưởng sâu sắc của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ nên có sự sụt giảm doanh số trong năm 2008. Ba công ty có doanh thu hàng đầu Nhật Bản năm 2007 là NYK, Mitsui OSK Lines, Kawasaki Kisen Kaisha, Ltd cũng có doanh thu giảm mạnh trong năm 2008. Thị trường hàng hải Nhật Bản đang trông chờ vào nhu cầu vận chuyển hàng rời của các nước có nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ân Độ. Dự kiến ngành hàng hải Nhật sẽ dư thừa tàu vào năm 2010.