Mô hình và công tác tổ chức xuất khẩu lao động sang thị trường Malaysia

Chủ trương hiện nay của chính phủ Malaysia là tiếp nhận lao động nước ngoài trên cơ sở hiệp định cấp nhà nước giữa nước tiếp nhận với nước cung ứng lao động. Ngày 1/12/2003 vừa qua, Hiệp định hợp tác lao động đã được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội nước ta và Bộ trưởng Nguồn nhân lực Malaysia sau thời gian hơn 1 năm lấy ý kiến từ các cấp ngành có liên quan cho dự thảo Hiệp định này và kiểm chứng từ thực tế xuất khẩu lao động sang Malaysia. Hiệp định bảo đảm về mọi nghĩa vụ và quyền lợi có liên quan của người lao động cũng như chủ sử dụng. Đây là bước tiến lớn đánh dầu một thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.

        Malaysia là thị trường chúng ta mới khai thác từ tháng 5/2002 và cũng chính tại đây chúng ta đã tổ chức thực hiện thí điểm mô hình “liên thông” trong xuất khẩu lao động. Mô hình này có sự kết hợp của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong việc chuẩn bị tạo nguồn và tuyển chọn lao động. Đầu tiên, mô hình này được Chính phủ ta tiến hành chỉ đạo thí điểm tại 2 tỉnh Hải Dương và Phú Thọ. Hai tỉnh này đã thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động gồm thành viên thuộc đầy đủ các cơ quan, ban ngành có liên quan như : Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng, Tài chính, Công an… Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động có nhiệm vụ kiểm tra tư cách và giới thiệu doanh nghiệp xuất khẩu lao động về các địa phương để tuyển nguồn, cùng kết hợp với doanh nghiệp đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng tại ngay địa phương, tiết kiệm được chi phí và thời gian cho người lao động, tham gia theo dõi tiến độ làm hộ chiếu giấy tờ, khám sức khoẻ của lao động đồng thời có những chính sách khác nhau hỗ trợ lao động về tài chính trước khi đi. Mô hình này trong quá trình thực hiện đã khẳng định được tính ưu việt của mình và đến nay đã được nhân rộng ra khắp các tỉnh trong cả nước và cho cả các thị trường xuất khẩu lao động khác của ta.

Khởi đầu chúng ta chỉ có 7 doanh nghiệp được phép thí điểm đưa lao động sang thị trường Malaysia, cho đến hiện nay đã có gần 70 doanh nghiệp được cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc tại thị trường này. Các doanh nghiệp của ta hợp tác với các công ty môi giới lao động Malaysia để tuyển chọn và xuất lao động theo yêu cầu của chủ sử dụng và trên cơ sở Hiệp định hợp tác lao động giữa hai chính phủ. TRAENCO là doanh nghiệp đưa được nhiều lao động sang làm việc ở Malaysia nhất với hơn 9000 lao động, tiếp theo là các doanh nghiệp như VINACONEX, LOD, SIMCO…