Chính sách giải quyết việc làm cho người lao động
Đối với người lao động: cơ hội lựa chọn việc làm ngày càng được mở rộng. Từ chỗ thụ động, trông chờ vào sự bố trí công việc của Nhà nước, người lao động trở nên năng động hơn, chủ động tự tạo việc làm trong các thành phần kinh tế cho mình và cho người khác. Các quan hệ lao động – việc làm thay đổi theo hướng các cá nhân được tự do phát huy năng lực của mình, được giải phóng khỏi khuôn phép của cơ chế cũ và tự chủ hơn trong tìm kiếm việc làm phù hợp với quan hệ cung – cầu lao động trên thị trường.
Người sử dụng lao động được khuyến khích làm giàu hợp pháp, nên đẩy mạnh đầu tư tạo việc làm. Khu vực kinh tế tư nhân được thừa nhận và khuyến khích phát triển, mở ra khả năng to lớn tăng trưởng việc làm.
Đối với Nhà nước, vai trò trong giải quyết việc làm đã thay đổi cơ bản. Thay vì bao cấp trong giải quyết việc làm, Nhà nước tập trung vào việc tạo ra cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo hành lang pháp luật, xóa bỏ hàng rào về hành chính và tạo điều kiện vật chất đảm bảo cho mọi người được tự do đầu tư phát triển sản xuất, tạo mở việc làm, tự do hành nghề, hợp tác và thuê mướn lao động. Cơ hội việc làm được tăng lên và ít bị ràng buộc bởi các nguyên tắc hành chính và ý chí chủ quan của Nhà nước. Từng bước hình thành cơ chế phân bố lao động theo các quy luật của thị trường lao động, đổi mới cơ chế và chính sách xuất khẩu lao động…
Giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp là mục tiêu xã hội hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm là chương trình trọng điểm của Nhà nước. Đảng ta luôn coi: "Giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân ".
Để giải quyết việc làm cho người lao động, vấn đề quan trọng nhất là Nhà nước phải tạo ra các điều kiện và môi trường thuận lợi để người lao động tự tạo việc làm trong cơ chế thị trường thông qua những chính sách cụ thể. Có thể có rất nhiều chính sách tácđộng trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc làm, hợp thành một hệ thống chính sách hoàn chỉnh có quan hệ qua lại, bổ sung cho nhau, hướng vào phát triển cả cung và cầu về lao động, đồng thời làm cho cung và cầu phù hợp với nhau.
Giải quyết việc làm cho người lao động luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước
Theo Bộ luật Lao động, Nhà nước đã chuyển hẳn từ cơ chế quản lý hành chính về lao động sang cơ chế thị trường. Việc triển khai Bộ luật này đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước và ổn định xã hội trong thời gian qua. Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật: luật đầu tư nước ngoài, luật đất đai, luật doanh nghiệp, luật khuyến khích đầu tư trong nước… đã thúc đẩy các yếu tố của các thị trường, trong đó thị trường lao động hình thành, mở ra tiềm năng mới giải phóng các tiềm năng lao động và tạo mở việc làm. Đồng thời với các cải tiến trong quản lý hành chính, hộ khẩu, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền tệ hóa tiền lương, tách chính sách tiền lương, thu nhập khỏi chính sách xã hội, góp phần làm tăng tính cơ động của lao động. Phát triển hệ thống giáo dục – đào tạo và dịch vụ việc làm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.